Xử lý tin sai sự thật, cần quy định có tính định lượng
16:50 15/11/2024
Muốn xử lý tận gốc thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, chúng ta cần phải có những quy định mang tính định lượng cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, thông tin sai sự thật có hệ lụy rất lớn. Ảnh: Quochoi.vn
Tin giả, sai sự thật để câu view, câu like, trục lợi, lừa đảo, hại nhau, làm nhục nhau… trên mạng xã hội bây giờ có thể nói là muôn hình vạn trạng và có mặt ở hầu hết các lĩnh vực.
Những tin giả, tin sai sự thật được lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua đã và đang tác động tiêu cực tới người dân, tới “tâm trạng xã hội”, gây hoang mang và bức xúc dư luận.
Có những loại tin giả, tin sai sự thật chỉ gây tổn thương và mất lòng tin cho xã hội, ví như kêu gọi từ thiện bão lũ ở miền Bắc mới đây, nhưng có những loại tin giả, tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, đặc biệt với chứng khoán, bất động sản, tài chính.
Trong đó “có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỉ đồng trên thị trường chứng khoán” như Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang vừa báo cáo tại Quốc hội.
Đó là chưa nói đến việc nhiều cá nhân lập nhóm, lập hội rồi phát tán, lan truyền những thông tin có tính xuyên tạc chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước, mua bán ngoại tệ, tiền giả, văn bằng chứng chỉ giả, ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, kích dục, cổ xúy các hành vi lệch chuẩn đạo đức... gây ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự.
Theo quy định hiện hành, đối tượng đưa tin sai sự thật có thể bị xử lý hành chính, hoặc hình sự. Trong thực tế, thời gian qua, cũng đã có nhiều cá nhân phát tán, lan truyền tin giả, tin sai sự thật bị xử phạt hành chính và cả xử lý hình sự. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ sức để răn đe.
Thêm nữa, việc xử lý của các cơ quan chức năng đối với hành vi phát tán, lan truyền tin giả, tin sai sự thật vẫn chưa thực sự hiệu quả do mức phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng theo Nghị định 15 của Chính phủ là quá nhẹ.
Đặc biệt, luật vẫn thiếu những quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Trong báo cáo với Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu quan điểm đáng chú ý: “Chỉ cần thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.
Để hạn chế đến mức thấp nhất những tin giả, tin sai sự thật xuất hiện trên mạng xã hội thì phải tăng mức xử phạt hành chính lên cao nhất có thể.
Đồng thời, sớm bổ sung các quy định có tính định lượng cụ thể để phân biệt hành vi, ví dụ thế nào là nghiêm trọng, thế nào là chưa nghiêm trọng để cơ quan chức năng áp khung hành chính hay hình sự để xử lý.
Xử lý thật nghiêm là biện pháp răn đe hiệu quả nhất trong khi chờ sự tự giác và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân được nâng lên bằng phương pháp giáo dục!
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Bác sĩ bị tố sàm sỡ, xâm hại tình dục bệnh nhân nữ tại Hà Nam: Đại diện Bộ Y tế nói gì? (02:31 16/04/2025)
- Thực hư vùng nguyên liệu kẹo Kera của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục ở Đắk Lắk (02:19 10/04/2025)
- Xôn xao clip tài xế ô tô hành hung nam shipper nghi do va chạm giao thông (08:48 11/02/2025)
- Người phụ nữ khỏa thân rơi khỏi xe ô tô do 'say quá tự lột đồ' (02:21 05/02/2025)
- Cục CSGT nêu những khác biệt sau 3 tuần áp dụng Nghị định 168 (10:35 22/01/2025)