thứ bảy, 26/04/2025

E-mail:tiviquemedia@gmail.com -  Hotline: 0941 791 983
thứ bảy, 26/04/2025

Tổng thống Trump áp thuế cao với Việt Nam: "Không quá lo lắng, đây chỉ là phương thức đàm phán với Mỹ"

16:27 03/04/2025
Rạng sáng 3/4 giờ Việt Nam (tối ngày 2/4 giờ Mỹ), chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 46% hàng Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. Dù các nhà phân tích đánh giá mức thuế 46% là rất cao và bất ngờ nhưng từ doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi Mỹ lại không quá lo lắng vì tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ đàm phán được.

Rạng sáng 3/4 giờ Việt Nam (tối ngày 2/4 giờ Mỹ), chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị đánh thuế đối ứng cao 46% mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ.Mức thuế mà Mỹ dự kiến áp cho hàng hoá Việt Nam thuộc hàng cao nhất trong số hàng chục nền kinh tế bị áp thuế đối ứng theo sắc thuế được ông Trump ký cùng ngày.

Đồng thời, Mỹ sẽ áp thuế 25% với ô tô nhập khẩu và thuế đối ứng với mọi quốc gia.

Việc đánh thuế của Mỹ đối với hàng hoá nhập khẩu vào nước này sẽ khiến khoảng 60 quốc gia sẽ ảnh hưởng. Các mức thuế quan đối ứng này sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4.

Các nước sẽ còn khoảng 1 tuần nữa để đàm phán với phía Mỹ về các mức thuế đối ứng mà Mỹ xây dựng trước khi nước này thực hiện chính thức vào ngày 9/4.

Theo Cục Hải quan, Bộ Tài chính năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 119,5 tỷ USD, nhập khẩu từ thị trường này là khoảng 15,1 tỷ USD, thặng dư thương mại khoảng 104,4 tỷ USD. Hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu hàng Việt sang Mỹ là 19,5 tỷ USD, nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ vào Việt Nam khoảng 2,6 tỷ USD, thặng dư thương mại của Việt Nam vào Mỹ là khoảng 17 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – chi nhánh khu vực TP.HCM, cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam luôn theo sát và phản ứng rất nhanh với việc thay đổi chính sách từ các quốc gia mình có mối quan hệ kinh doanh. Ông Nam cho rằng doanh nghiệp nên phối hợp với các hiệp hội ngành nghề và xây dựng tiếng nói tập thể. Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là kênh hướng dẫn, đồng hành quan trọng để giúp doanh nghiệp Việt Nam trước “cơn sóng dữ” này.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối ứng với hàng hoá các quốc gia khác vào Việt Nam dựa trên mức thâm hụt thương mại sẽ tác động tiêu cực đối với các nền sản xuất nhỏ, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, thuế đối ứng dựa trên thâm hụt thương mại của Mỹ có thể được điều chỉnh nếu các quốc gia có quan hệ thương mại với Mỹ chủ động đàm phán, hạn chế thâm hụt thương mại với Mỹ. Mức độ đánh thuế hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ có thể sẽ được điều chỉnh theo từng tháng, quý, không có mức cố định, điều này phụ thuộc vào quan hệ thương mại song phương giữa các nước với Mỹ.

Giới chuyên gia đồng loạt đưa ra nhiều nhận định về sự kiện có ảnh hưởng lớn đến thương mại Việt Nam trong ngắn, trung và dài hạn, đồng thời đưa ra nhiều hiến kế đối với Việt Nam.

Mỹ sẽ áp thuế 46% với hàng hóa Việt Nam - Không quá lo lắng, còn cơ hội đàm phán

Thuế áp cho Việt Nam mức 46% mới chỉ là mức chung, một phương thức đàm phán của Tổng thống Mỹ. Với ngành gỗ, chúng tôi thấy không quá nhiều lo lắng vì ngày 31/3 vừa rồi, phía Việt Nam đã giảm thuế đối với đồ từ Mỹ xuống 0%.

Ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt

Theo quan điểm của chúng tôi, thuế đối ứng sẽ áp dụng với từng mặt hàng theo mã số HScode, vì vậy không có gì lo lắng quá, cấp Chính phủ sẽ làm việc với phía Hoa Kỳ.

Trong trường hợp nếu thuế đối ứng phía Mỹ áp mạnh cho ngành gỗ Việt Nam khoảng 10%, các đối tác làm ăn với chúng tôi sẽ chia đôi, mỗi bên chịu thuế 5%. Hiện tại, mọi thứ vẫn đang bình thường, không có gì đáng lo ngại. 

Về kim ngạch xuất hàng sang Mỹ, hiện doanh nghiệp chúng tôi đang xuất đi Mỹ với đơn hàng chiếm 50% và hiện tại chúng tôi nhận các đơn hàng xuất khẩu đến tháng 9, hết quý III/2025.

Về đa dạng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp tôi và các doanh nghiệp hiệp hội đã làm hàng năm qua rồi, không đợi đến khi Mỹ đưa việc đánh thuế. Chúng tôi hướng đến Hàn Quốc, Úc, Trung Đông.

Sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn

TS. Bùi Quý Thuấn, Trưởng Bộ môn logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Phenikaa

Thuế đối ứng là gì? đây là loại thuế hoặc các rào cản phi thuế quan mà một quốc gia áp dụng đối với quốc gia khác, ‘có đi có lại’, nhằm đạt được sự cân bằng trong cán cân thương mại quốc tế. 

Như vậy, thuế đối ứng là sắc thuế áp dụng khi một quốc gia tăng thuế đối với hàng hóa từ một quốc gia khác, quốc gia bị bị đánh thuế có thể đáp trả bằng cách áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia đó.

TS. Bùi Quý Thuấn, Trưởng Bộ môn logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Phenikaa

Phản ứng này nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước các rào cản về thuế quan, đồng thời duy trì công ăn việc làm và khắc phục mất cân đối trong cán cân thương mại. 

Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump với quan điểm “Nước Mỹ là trên hết”, việc áp thuế quan đối ứng sẽ đảm bảo công bằng và mang lại lợi ích của Mỹ trong hoạt động thương mại quốc tế.

Điểm đặc biệt trong công bố chính sách áp thuế đối với các đối tác thương mại lần này đó là Mỹ cũng sẽ kết hợp cả rào cản phi quan thuế và các chính sách thao túng tiền tệ mà Mỹ cho rằng các quốc gia đang áp dụng cho hàng hóa Mỹ. 

Trong tuyên bố áp thuế đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, TT Donald Trump tuyên bố danh sách các quốc gia đánh thuế đối ứng cao, đứng đầu là Campuchia – 49%, Việt Nam – 46%, Srilanka – 44%, Bangladesh – 37%, Trung Quốc – 34%, Thái Lan 36%, Đài Loan – 32%, Ấn độ 26%, Indo 32%, Malay 24%, Bangladesh 37%, Philippine 17%, Pakistan 29%,..

Nhìn vào các mức thuế này thì mức thuế áp cho Việt Nam so đối với các đối thủ cạnh tranh chính lại thấp hơn, điều này có nghĩa mức thuế xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ 10 – 20%, điều này sẽ làm giảm cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Đồng thời sẽ gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam. Tôi cho rằng sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể tạo ra những thay đổi tích cực về lâu dài trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các cải cách về thể chế và các chính sách kinh tế và khoa học công nghệ trong thời gian gần đấy. Việc phải chịu thuế cao từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, như EVFTA, CPTPP, RCEP,…hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal (2,2 tỷ người), Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Châu Phi,…. Điều này giúp giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn. Khi xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể chuyển hướng sang thị trường nội địa với dung lượng hơn 100 triệu dân.

Về việc Việt Nam cần làm gì trước thuế quan của Mỹ, có 7 điều cần làm.
Đầu tiên là Việt Nam cần tiếp tục đàm phán song phương với chính quyền Mỹ đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Mỹ; Định hướng và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường; Thu hút đầu tư các tập đoàn lớn của Mỹ vào Việt Nam; Tăng cường mua hàng từ Mỹ; Tận dụng các hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hóa thị trường; Thúc đẩy nhanh các chính sách kinh tế mới như đầu tư công để kích cầu, hay phát triển kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng cách cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh thực chất hơn nữa.

Tôi cho rằng để đứng trước áp lực về thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số nhanh hơn và xanh hóa sản xuất, đáp ứng yêu cầu cao hơn từ các thị trường quốc tế. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam trong dài hạn. Đặc biệt, theo tôi các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chú trọng hơn với việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mở rộng và đa dạng thị trường và cải tiến, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm giảm chi phí và tạo ra những sản phẩm khác biệt thì mới có thể sòng phẳng cạnh tranh mà không lo ngại những rủi ro về chính sách thuế cũng như các rào cản phi thuế quan của các đối tác thương mại lớn trong tương lai, Tác động tiêu cực sẽ rõ rệt trong ngắn hạn, đặc biệt với các ngành xuất khẩu chủ lực như hàng điện tử, dệt may – da giầy, đồ gỗ và nội thất,…và tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên sẽ là thách thức trong năm 2025. Tuy nhiên, thách thức này theo Tôi cũng sẽ có thể trở thành động lực để nền kinh tế chuyển đổi theo hướng bền vững hơn trong tương lai.

Điểm mặt cổ phiếu các ngành hàng sẽ bị ảnh hưởng nếu mức thuế 46% được áp dụng

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI):

Quyết định áp thuế mới của Mỹ lần này có phần cứng rắn hơn so với kỳ vọng của giới phân tích. Trước đó, các chuyên gia dự báo mức thuế sẽ dao động trong khoảng 20-30% đối với một số ngành hàng cụ thể, nhưng thực tế nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, phải đối mặt với mức thuế cao hơn dự kiến. Điều này phản ánh chính sách thương mại của chính quyền Trump theo hướng bảo hộ mạnh mẽ hơn, nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và gây áp lực lên các nước có thặng dư lớn với nền kinh tế Mỹ. Việt Nam nằm trong nhóm bị ảnh hưởng lớn, bên cạnh các đối tác lớn khác của Mỹ như Trung Quốc, Mexico, và Liên minh châu Âu (EU).

Mức thuế 46% mà Mỹ áp thuế cho Việt Nam, theo tôi là rất cao và gây bất ngờ. Bởi trước đó hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đều có mức thuế thấp hơn nhiều. Điều này có thể khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn lớn, đặc biệt là các ngành như dệt may, da giày, gỗ, thép, và điện tử – những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ. Đây cũng có thể là động thái gây áp lực để Việt Nam phải có sự điều chỉnh trong cán cân thương mại, đồng thời đẩy nhanh đàm phán song phương với Mỹ để tìm giải pháp.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI)

Đối với thị trường chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, vì quyết định này có thể làm trầm trọng hơn các căng thẳng thương mại và gia tăng lo ngại về sự bất ổn kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh, đặc biệt là cổ phiếu của các công ty đa quốc gia có chuỗi cung ứng phụ thuộc vào các nước bị áp thuế. Ở Việt Nam, TTCK có thể phản ứng tiêu cực trong ngắn hạn, với áp lực bán mạnh ở các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, nếu Chính phủ có biện pháp đối phó phù hợp, tâm lý thị trường có thể ổn định dần.

Chính sách thuế quan mới từ Mỹ dự kiến sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến một loạt ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong đó, dệt may và da giày là hai lĩnh vực chịu áp lực lớn nhất khi Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp trong ngành.

Ngành gỗ và nội thất cũng đối diện rủi ro lớn do phần lớn sản phẩm xuất sang Mỹ, mức thuế cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận. Ngành thép từng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, nay có thể tiếp tục chịu tác động nặng nề hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử và linh kiện có nguy cơ gián đoạn xuất khẩu nếu chính sách thuế được thực thi mạnh mẽ.

Bên cạnh các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp, một số lĩnh vực cũng sẽ chịu tác động gián tiếp. Bất động sản khu công nghiệp có thể bị chững lại do nhu cầu mở rộng nhà máy sụt giảm khi xuất khẩu giảm. Ngành ngân hàng đối mặt nguy cơ gia tăng nợ xấu nếu doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn. Trong khi đó, lĩnh vực logistics cũng chịu sức ép khi thương mại suy giảm kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa đi xuống.

Trước nguy cơ Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Việt Nam, Chính phủ cần chủ động tiến hành các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm giải pháp giảm mức thuế áp dụng. Việc này có thể thực hiện thông qua ký kết các thỏa thuận thương mại hoặc cam kết về chính sách tiền tệ và cán cân thương mại.

Song song đó, cần đẩy mạnh thị trường nội địa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Trong trường hợp thương mại với Mỹ bị siết chặt, Việt Nam nên tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP để tăng cường xuất khẩu sang EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần được triển khai đồng bộ. Chính phủ có thể xem xét các biện pháp như giảm thuế nội địa, hỗ trợ tín dụng, miễn giảm phí vận chuyển và logistics nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa là yêu cầu cấp thiết. Trong bối cảnh Mỹ có thể áp thuế cao với các mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng sản xuất tại Việt Nam, việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sẽ giúp giảm thiểu rủi ro bị áp thuế “né xuất xứ”.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) - Thặng dư thương mại với Mỹ sẽ bị thu hẹp, tăng trưởng kinh tế gặp áp lực lớn

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Tổng thống Donald Trump đẩy thuế quan trung bình lên hơn 20% và tác động rộng lớn đến hầu hết các nền kinh tế. Kế hoạch thuế quan mới của Hoa Kỳ có tác động rộng rãi trên toàn cầu, ảnh hưởng đến các nền kinh tế từ Liên minh Châu Âu đối với Trung Quốc và Việt Nam với mức thuế mới lớn. Vẫn còn nhiều bất ổn tuy nhiên vẫn còn cơ hội cho đàm phán.

Đối với Việt Nam, việc Mỹ áp thuế qua lại lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, nếu có hiệu lực vào ngày 9/4/2025, sẽ tạo ra những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trên nhiều khía cạnh như xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, tỷ giá, lạm phát và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Dự báo sơ bộ dựa trên bối cảnh kinh tế hiện tại, xuất khẩu chịu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 28–30% tổng kim ngạch xuất khẩu (136,6 tỷ USD trong năm 2024) và chiếm khoảng 26% cấu phần GDP. Với mức thuế 46%, giá hàng hóa Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng vọt, làm giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Mexico. Các ngành chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, gỗ và thủy sản sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Ước tính xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm mạnh, có thể lên đến 20–30% hoặc hơn, tùy thuộc vào khả năng hướng thị trường. Do đó, Việt Nam có thể buộc phải tăng nhập khẩu từ Mỹ để giảm thặng dư thương mại (123,5 tỷ USD năm 2024), nhằm xoa dịu áp lực thuế quan. Tuy nhiên, điều này sẽ làm gia tăng chi phí nhập khẩu, đặc biệt với các mặt hàng công nghệ và nguyên liệu sản xuất.

Thặng dư thương mại với Mỹ sẽ hẹp đáng kể, có thể khiến tổng xuất khẩu của Việt Nam giảm từ mức 24,77 tỷ USD (2024) xuống thấp hơn, gây áp lực lên nền tăng trưởng kinh tế.

Đối với tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 1,5–2 điểm % vào GDP hằng năm. Nếu xuất khẩu sang Mỹ giảm 20–30%, tăng trưởng GDP năm 2025 có thể bị tác động giảm 1,78% bình quân năm trong 5 năm tới (Theo dự báo bloomberg thì GDP Việt Nam sẽ bị kéo giảm khoảng 8,9% đến năm 2030 tức là bình quân 1,5-2% tác động một năm), từ mức dự kiến 7-8% của 2025 xuống còn khoảng 5%-6,5% hoặc thấp hơn. Điều này phụ thuộc vào khả năng kích thích tiêu dùng nội địa và đầu tư công.

Tuy nhiên, điều này có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền đó là, các doanh nghiệp xuất khẩu (đặc biệt là khu vực FDI) sẽ cắt giảm sản xuất, dẫn đến giảm việc làm và thu nhập, từ đó ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước – một yếu tố khác hỗ trợ tăng trưởng.

Tỷ giá, lạm phát và FDI cũng sẽ chịu sức ép lớn nếu Mỹ áp thuế 46% với hàng hóa Việt Nam.

Nếu xuất khẩu sang Mỹ suy giảm, nguồn cung USD từ hoạt động thương mại sẽ giảm trong khi nhu cầu nhập khẩu vẫn tăng, đẩy cầu USD lên cao và tạo áp lực mất giá lên đồng VND. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải can thiệp thông qua bán dự trữ ngoại hối – hiện tương đương khoảng 2,4 tháng nhập khẩu – tỷ giá USD/VND có thể tăng 3–5% trong năm 2025, từ mức 24.5635 VND/USD (ngày 2/4/2025) lên khoảng 26.000–26.200 VND/USD. Áp lực này có thể trầm trọng hơn nếu đồng Nhân dân tệ giảm giá để đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ, buộc NHNN phải điều hành linh hoạt để ổn định thị trường ngoại hối.

Cùng với tỷ giá, lạm phát cũng đứng trước nguy cơ leo thang. Mức thuế 46% có thể khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ và các thị trường khác tăng mạnh, đẩy chi phí sản xuất đi lên. Trong bối cảnh đó, VND mất giá sẽ khiến giá hàng nhập khẩu – đặc biệt là nguyên liệu đầu vào (chiếm tới 90% kim ngạch nhập khẩu) – tiếp tục tăng. Lạm phát vì vậy có thể vượt mục tiêu 4,5% và lên mức 5–6% trong năm 2025, nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, yếu tố nội tại như giá lương thực, thực phẩm tăng do chi phí vận tải và sản xuất leo thang cũng sẽ khiến CPI chịu nhiều áp lực. Chính phủ được dự báo sẽ cân nhắc các chính sách hỗ trợ để kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Mức thuế cao khiến các doanh nghiệp FDI, đặc biệt từ Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, phải xem xét lại chiến lược đầu tư vào Việt Nam khi thị trường Mỹ trở nên khó tiếp cận. Một số công ty có thể chuyển nhà máy sang các nước ít chịu ảnh hưởng bởi thuế quan như Indonesia hoặc Ấn Độ, khiến FDI đăng ký và giải ngân sụt giảm (năm 2024 đạt khoảng 25,35 tỷ USD giải ngân).

Tuy nhiên, nếu Việt Nam tận dụng được làn sóng chuyển dịch khỏi Trung Quốc – quốc gia cũng chịu mức thuế cao từ Mỹ – dòng vốn FDI có thể phục hồi. Các ngành như bất động sản khu công nghiệp, logistics và sản xuất nội địa sẽ hưởng lợi nếu có chính sách ưu đãi hấp dẫn kịp thời.

Trước tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ, Việt Nam cần sớm đàm phán nhằm giảm thuế hoặc đề xuất ngoại lệ cho một số mặt hàng chiến lược, đồng thời tăng nhập khẩu từ Mỹ để cân bằng cán cân thương mại. Về phía thị trường, việc đa dạng hóa xuất khẩu sang các đối tác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP là hướng đi cần thiết.

Trong nước, các giải pháp như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất phục vụ thị trường nội địa, cùng với kiểm soát cung tiền để ổn định tỷ giá và lạm phát, cần được triển khai đồng bộ.

Mức thuế 46% từ Mỹ sẽ là cú sốc lớn, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào cách Việt Nam phản ứng. Nếu chủ động và linh hoạt, Việt Nam hoàn toàn có thể giảm thiểu thiệt hại và tận dụng cơ hội trong thách thức.

Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Nguyễn Quốc Hưng

Ngày 11/9/2023 Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đây là dấu mốc quan trọng trong đường lối chính trị, ngoại giao kinh tế của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế địa chính trị của Việt Nam trên thế giới. Tại Tuyên bố chung về kinh tế thương mại đầu tư, hai quốc gia nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước.

Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Nguyễn Quốc Hưng

Ngoài ra, Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với 11 quốc gia khác: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Pháp, Malaixia, New Zealand, Indonesia, Singapore. Trong đó 11/12 quốc gia này đã nằm trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương và Việt Nam là thành viên và được hưởng các ưu đãi về thuế quan tại các Hiệp định này. Mặc dù Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập Hiệp định thương mại song phương từ năm 2001 nhưng Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có Hiệp định thương mại tự do về cắt giảm thuế quan nên Hoa Kỳ vẫn là đối tác chịu mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) áp dụng chung cho các quốc gia là thành viên WTO.

Đối tác chiến lược Toàn diện là mức độ cao nhất trong hệ thống các mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia hoặc giữa quốc gia và tổ chức quốc tế. Đây là quan hệ chiến lược và dài hạn, được xác định bởi sự gắn kết lợi ích lâu dài, sự hỗ trợ đôi bên và sự thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Nghị định 73/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/3/2025 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP.

Cụ thể, giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng ô tô mã HS 8703.23.63 và 8703.23.57 từ 64% xuống 50% và mặt hàng ô tô mã HS 8703.24.51 từ 45% xuống 32%.

Đối với mặt hàng Ethanol, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cũng được giảm từ 10% xuống 5%.

Thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng đùi gà đông lạnh giảm từ 20% xuống 15%; mặt hàng hạt dẻ cười, chưa bóc vỏ giảm từ 15% xuống 5%; mặt hàng hạnh nhân giảm từ 10% xuống 5%; mặt hàng quả táo tươi giảm từ 8% xuống 5%; mặt hàng quả anh đào ngọt (Cherry) giảm từ 10% xuống 5%; mặt hàng nho khô giảm từ 12% xuống 5%.

Đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ gồm: (1) Nhóm 44.21: Các sản phẩm bằng gỗ (bao gồm các sản phẩm như mắc treo quần áo, quan tài, lõi cuộn chỉ, ống sợi và suốt sợi, guồng cuốn chỉ may và các sản phẩm tương tự, thanh gỗ để làm diêm…); (2) Nhóm 94.01 và 94.03: Ghế ngồi và các bộ phận của ghế ngồi; đồ nội thất bằng gỗ: giảm thuế nhập khẩu từ các mức thuế suất 20% và 25% xuống cùng một mức thuế suất là 0%.

Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng khí tự nhiên dạng hóa lỏng (LNG) giảm từ 5% xuống 2%.

Mặt hàng ethane: bổ sung mã HS 2711.19.00 vào chương 98 với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 0%.

Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng ngô hạt giảm từ 2% xuống 0%; mặt hàng khô dầu đậu tương giảm từ 1%, 2% xuống 0%.

Trước đó để ứng phó với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình địa chính trị kinh tế trên thế giới. Đặc biệt việc thay đổi chính sách kinh tế, thương mại, thuế quan, tác động nhanh chóng, mạnh mẽ, sâu sắc, nhiều chiều đến kinh tế, đầu tư và thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam, tại Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính trình Chính phủ việc sửa Nghị định 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 để điều chỉnh thuế suất một số nhóm mặt hàng đảm bảo hài hòa, hợp lý theo trình tự thủ tục rút gọn, hoàn thành ngay trong tháng 3/ 2025.

Bình luận: 0

Liên kết website

TVQ
Petrovietnam
Vietcombank
Thaco
Vietinbank
Agribank
Bivaco
BIDV
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top