Đô cử Lê Văn Công: 'Dù tàn phế tôi vẫn muốn làm trụ cột gia đình'
16:42 07/11/2024
VĐV khuyết tật Lê Văn Công coi sàn đấu là nơi chứng minh bản thân, giúp anh hòa nhập hơn với cộng đồng và gánh vác trách nhiệm gia đình.
Đó là chia sẻ của đô cử sinh năm 1984 về hành trình vượt qua nghịch cảnh, đạt những thành tựu đáng nhớ trong sự nghiệp thể thao .
Sinh ra với đôi chân không lành lặn, đến năm 2002 Công rời quê hương Hà Tĩnh vào TP HCM theo học ngành kỹ thuật điện tử. Hoàn cảnh khó khăn buộc anh phải vừa học vừa làm thêm tại một xưởng gỗ. Công không có phương tiện đi lại, xe lăn cũ hỏng nhiều lần phải gia cố tạm để dùng. "Ngày đi học, đi làm, đến bữa tôi lên chùa xin cơm chay", anh kể.
Lê Văn Công thi đấu tại Paralympic Rio 2016. Ảnh: Reuters
Bước ngoặt đến vào năm 2005, khi Công được giới thiệu tới trung tâm thể thao quận Tân Bình. Ban đầu, anh chỉ định tham gia rèn luyện sức khỏe. Nhưng cơ duyên đưa anh đến với HLV Nguyễn Hồng Phúc. Sau thời gian ngắn luyện tập với thầy, Công giành được tấm HC bạc tại giải vô địch quốc gia năm 2005. Từ đó, anh bước vào sự nghiệp thi đấu.
Đỉnh cao của anh đến vào năm 2016. Khi đó Công giành được HC vàng tại Paralympic Rio, đồng thời lập kỷ lục Thế vận hội và kỷ lục thế giới.
Tuy nhiên, thử thách chưa buông tha đô cử người Hà Tĩnh. Anh từng gặp tai nạn dẫn đến chấn thương nặng, phải nghỉ thi đấu đến ba năm. Trước thế vận hội 2024 tại Paris, bác sĩ còn khuyên can nam VĐV. Tuy nhiên, anh vẫn cố gắng tham gia bởi cảm nhận được trách nhiệm lớn lao khi đại diện đất nước bước ra đấu trường quốc tế. "Đó là cơ hội để tôi thể hiện tinh thần và ý chí của người Việt Nam", anh chia sẻ.
Kết quả, Công giành HC đồng. Dù thành tích giảm so với trước, nhưng ba kỳ thế vận hội liên tiếp có huy chương cũng giúp anh cảm thấy hãnh diện phần nào.
Hiện tại, ngoài thể thao, Công tham gia vào lĩnh vực sản xuất thiết bị âm thanh. Anh nhận lắp đặt máy móc cho các quán karaoke, phòng bar, hội trường. "Thể thao cho tôi kinh tế, cho tôi mối quan hệ làm ăn và giúp tôi hòa nhập. Dù tàn nhưng tôi luôn muốn vươn lên, làm chủ cuộc sống. Tôi không thể là gánh nặng cho gia đình mà phải là trụ cột, chăm lo được cho vợ con, cha mẹ", nam lực sĩ chia sẻ.
Anh nghẹn ngào khi giành được điểm số cao nhất tại chung kết cử tạ Paralympic 2016 tại Rio, Brazil. Ảnh: Reuters
Bên cạnh các chiến tích tại các kỳ Paralympic, VĐV sinh năm 1984 còn giành HC vàng châu Á 2007, HC bạc thế giới 2007, HC vàng Para Games 2009, 2014, HC bạc thế giới 2014, HC vàng Đại hội thể thao châu Á 2014, HC vàng châu Á 2015, HC vàng và lập kỷ lục thế giới năm 2017. Anh vì thế được mệnh danh là chàng trai vàng của đội tuyển cử tạ người khuyết tật Việt Nam.
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Doãn Hải My khoe thành quả can thiệp thẩm mỹ, cùng Văn Hậu rèn luyện trong phòng gym, một chi tiết khiến fan chạnh lòng (09:18 11/02/2025)
- McGregor nhổ nước bọt vào mặt CĐV (02:48 05/02/2025)
- HLV Park Hang-seo: 'Đã tới lúc bóng đá Việt Nam vươn ra châu Á' (02:11 06/01/2025)
- Nguyễn Xuân Son - cú đấm thép giúp Việt Nam hạ Thái Lan (08:55 03/01/2025)
- Việt Nam bất ngờ khi Singapore mất trụ cột (04:06 26/12/2024)